Sáng kiến hộ chiếu logistics thế giới và khai phá tiềm năng hợp tác về logistics giữa Việt Nam và UAE

Navilink News2

Ngày 14/8, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết và Diễn đàn “Sáng kiến hộ chiếu logistics thế giới và khai phá tiềm năng hợp tác về logistics giữa Việt Nam và UAE”.

Chương trình Hộ chiếu logistics thế giới – World Logistics Passport (WLP) đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Khai phá tiềm năng về hợp tác giữa Việt Nam và UAE trong lĩnh vực logistics”. Sự kiện được diễn ra nhân dịp hai nước tiến hành nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đã tóm tắt một số nét chính về nền kinh tế Việt Nam và tình hình hợp tác thương mại với UAE.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nhận định, với vị trí, vai trò của UAE hiện nay tại Trung Đông, sự hợp tác hiệu quả với UAE trong lĩnh vực logistics sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực, cũng như các khu vực khác trên thế giới. Việc tạo thuận lợi cho thương mại, tăng tính cạnh tranh quốc gia là những nhiệm vụ không những của ngành Công Thương mà còn cả hệ sinh thái logistics quốc gia.

Về phía UAE, ngài Bader Abdulla Al Matrooshi – Đại sứ UAE tại Việt Nam nhấn mạnh, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Việt Nam thuộc Top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE trên thế giới. Trong giai đoạn 2018 – 2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm (chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Đông). Thông qua UAE, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận tới nhiều quốc gia trong khu vực.

Việt Nam đã có tên trong danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (gọi tắt là Hub) thuộc mạng lưới WLP. Đại sứ UAE tại Việt Nam tin tưởng rằng, sáng kiến WLP sẽ góp phần nâng cao lợi ích kinh tế, thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều đối tác, từ đó đẩy mạnh kim ngạch hai chiều.

Đại diện cho Chương trình WLP, ông Abdulla Alsuwaidi – Giám đốc Hubs và Đối tác toàn cầu đánh giá, với vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất tại Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là Hub quan trọng thuộc mạng lưới WLP. WLP đang lựa chọn các đối tác một cách chiến lược dọc hành trình chuỗi cung ứng và logistics nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hướng tới việc tăng cường xuất nhập khẩu đa dạng các giữa các Hubs.

Navilink News1

 

Tại hội thảo, chúc mừng các doanh nghiệp đã đàm phán, ký kết thành công thỏa thuận hợp tác với WLP, ông Trần Quang Huy hy vọng thông qua những hoạt động hợp tác với WLP trong thời gian tới, các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam sẽ thu được những lợi ích đáng kể trong hoạt động vận tải hàng hóa, dịch vụ logisitcs; mở rộng hoạt động kinh doanh; góp phần hiệu quả giảm thiểu chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cập nhật về sáng kiến hộ chiếu, ông Nguyễn Ngọc Thuyên – đại diện Chương trình Hộ chiếu logistics thế giới tại Việt Nam cho biết, từ tháng 5/2021, Việt Nam đã trở thành một trong 29 thành viên (Hub) của WLP thông qua bản ghi nhớ hợp tác từ Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) với WLP dưới sự ủng hộ của Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, mở đường cho hệ sinh thái logistics Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái logistics toàn cầu cũng như mạng lưới các thành viên của WLP.

Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam khi được UAE cấp WLP đều sẽ được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng, nhờ đó tiết kiệm thời gian và 40% chi phí vận hành.

Hiện một số cảng của UAE thực hiện miễn giảm thuế, phí cho hàng hóa có hộ chiếu WLP, hàng hóa khi qua con đường tơ lụa Dubai sẽ tiết kiệm tiền lưu kho; có thể chuyển hàng thông suốt từ nơi xuất phát cho đến đích. UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á, với mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may, hàng rau quả, hạt tiêu, gạo…
Navilink News2
Trong thời gian tới, WLP và các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội của Việt Nam cần tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, tập trung tháo gỡ các nút thắt của chuỗi cung ứng trong từng lĩnh vực và ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị gián doạn do những ảnh hưởng của tình hình bất ổn trên toàn thế giới.

Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhiều đối tác tiềm năng của Việt Nam tham gia vào mạng lưới WLP, phát huy hiệu quả vị trí chiến lược của Việt Nam là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực và thế giới.

Trích nguồn “ Báo Công Thương-congthuong.vn”